Đường Khởi Nghiệp Của Tác Giả Bức Chân Dung Nữ Thủ Tướng New Zealand – Mạ vàng Sao Mai
Năm 2003, khi ngồi trong tiệm tranh đơn sơ 15m2 ở đường Nguyễn Văn Trỗi (TP HCM) vừa khai trương, có lẽ Phạm Hoàng Điệp không dám nghĩ có một ngày, tranh mình vẽ trở thành món quà tặng ngoại giao của Việt Nam trong một sự kiện quan trọng.
Thế nhưng 17 năm sau ngày Điệp mở tiệm tranh ấy, bức sơn dầu của anh được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cho bà Jacinda Ardern – Thủ tướng New Zealand tại cuộc gặp song phương bên lề hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam vừa qua.
“Qua báo chí, tôi được xem lại hình ảnh nữ Thủ tướng ôm mặt bất ngờ và vui sướng cười rạng rỡ khi mở món quà là bức ảnh chân dung sơn dầu của chính mình, tôi cảm thấy rất tự hào. Tự hào nhất là khi bà nói khi về nước sẽ quảng bá ngành nghề mỹ thuật Việt Nam”, Phạm Hoàng Điệp không giấu được nụ cười mãn nguyện khi nhắc đến tác phẩm ấy.
Phạm Hoàng Điệp sinh ra ở xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định, có truyền thống lâu đời về đồ gỗ mỹ nghệ. Gia đình anh cũng nhiều đời làm nghề này. Từ lúc lên 7 tuổi, Điệp đã tiếp xúc với giá vẽ vì hay lau chùi cọ, chuẩn bị giấy bút để bố sáng tác mưu sinh. “Có lần nghịch ngợm nguệch ngoạc vào tranh, chút nữa bị bố đánh đòn và từ đó máu nghệ thuật hội họa đã ngấm trong người”, anh kể.Bức tranh nữ Thủ tướng New Zealand được anh Điệp thực hiện trong 3 ngày, nằm trong Bộ sưu tập chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC của công ty anh – Công ty TNHH Mỹ thuật Sản xuất & Thương mại Sao Mai. Tuy nhiên, để có được ngày vinh dự là đơn vị cung cấp bộ sưu tập này trong dịp APEC, người đàn ông sinh năm 1964 này đã có một hành trình gập ghềnh hơn 17 năm. Từ số vốn khởi nghiệp 4 triệu đồng với một tiệm tranh khiêm tốn, nay anh đã có 2 showroom, 2 xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tranh đồng mạ vàng lớn ở Sài Gòn.
Điệp thú nhận chưa bao giờ nghĩ có niềm vinh dự như ngày hôm nay bởi bỏ học từ sớm vì phải lo gánh vác giúp gia đình cho đến năm 25 tuổi kết hôn.
Dù xã Hải Minh được mệnh danh là “làng cổ, phố nghề” nhưng Điệp thừa nhận, nghề này ngày càng cạnh tranh và nếu không tự ra khỏi lũy tre làng học hỏi thì sẽ rất khó tồn tại. Vì vậy, đầu năm 2001, anh cùng vợ và 3 con vào Nam lập nghiệp. Trên chuyến tàu hỏa vào Nam năm ấy, nhìn đứa con gái út 4 tháng tuổi còn đỏ hỏn, Điệp hiểu tương lai sẽ rất khó khăn.
Điểm đến đầu tiên của gia đình là Biên Hòa. Ban đầu Điệp tá túc nhờ một người bạn là thương binh rồi sau đó thuê một căn phòng nhỏ. Hai vợ chồng khi ấy xác định là không được phép ốm, không được phép mất cái gì, để nhắc nhở phải luôn phấn đấu và không để một biến cố nào xảy ra. “Hồi ấy gia tài có mỗi chiếc xe đạp mà lỡ may nó mất thì không biết thế nào”, anh cười kể lại.
Ngày ngày trên chiếc xe đạp cũ, Điệp kiên trì đi vẽ tranh kiếm sống nuôi vợ con. Lúc có một tí vốn, anh mở tiệm vẽ quảng cáo rồi đến tiệm dán decan rồi lại xoay ra cửa hàng in ấn. Cả ba lần đều thất bại. Thế rồi được vợ động viên, Điệp quyết tâm trở lại nghề vẽ tranh. “Hết gạo chạy rong thì nhất nông nhì sỹ. Ông trời không cho ai bất cứ thứ gì và không tước lấy ai bất cứ thứ gì. Đóng cánh cửa này sẽ mở cánh cửa khác”, anh nghĩ vậy.
Năm 2003, khi tích góp được 4 triệu đồng, Điệp vay thêm bạn bè được tổng cộng 20 triệu và lần này quyết đưa vợ con lên Sài Gòn. Anh thuê một tiệm nhỏ 15m2, mỗi tháng giá 2,5 triệu ở đường Nguyễn Văn Trỗi để bán tranh. “Tài sản lúc đó toàn là tranh anh em ký gửi để bán kiếm lời. Đồ đạc thì chỉ có những cái bàn ghế cũ kỹ người ta vứt đi, mình mót lại để khi có khách vào ngồi; cái giá vẽ hay những vật dụng linh tinh khác cũng là đồ đi nhặt về”, Điệp kể.
Nhưng sau nhiều lần thất bại, cộng với sự quyết tâm của hai vợ chồng, tiệm tranh ngày một khấm khá nhờ ở vị trí đường huyết mạch, du khách nước ngoài qua lại cũng nhiều. Điệp mày mò học vẽ thêm để nâng cao tay nghề và học cả tiếng Anh. “Khách Tây nhiều mà mình lại chả biết ngoại ngữ, sẽ mất khách. Biết vậy nhưng mình cũng không dám thuê thầy về dạy vì đợt ấy cũng còn vay nợ nhiều. Thế là nhờ các bạn sinh viên gia sư thêm”, anh kể.
Cứ thế, 4 năm sau, khi dành dụm được 200 triệu, Điệp mạnh dạn thuê mặt bằng lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm showroom. “Nhiều người lo tôi nôn nóng, vội vàng khi mở cửa hàng lớn nhưng lúc ấy mình chỉ nghĩ cứ đam mê rồi nỗ lực, mọi thứ sẽ đến. Thế mà may mắn đến năm 2009, tôi lại tích được hơn một tỷ và mạnh dạn mở tiếp showroom thứ hai ngay sát bên và đầu tư thêm 2 xưởng sản xuất rồi thành lập công ty”, anh nhớ lại.
Ban đầu, Điệp chỉ kinh doanh chủ yếu tranh sơn dầu và một số tranh chất liệu khác. Tuy nhiên, xu thế người thưởng lãm giờ đa dạng phong phú, việc chơi tranh cầu kỳ hơn, họ thích những vật liệu sang trọng, hiện đại nên Công ty Sao Mai của Điệp nghiên cứu làm cả tranh đồng, tượng đồng mạ vàng.
Vì yêu thích tranh đồng, Điệp cũng kỳ công nghiên cứu kỹ thuật khắc tranh đồng dát vàng suốt 5 năm trời. Theo anh, cần rất nhiều đam mê và kỹ năng khi làm tranh điêu khắc bằng đồng. “Từ một mặt phẳng mà phải tạo nên bức tranh sống động hài hòa đường nét và không được phép sai dù chỉ một li là cả quá trình cố gắng. Tôi đã làm hỏng bao nhiêu lần, có đợt nản phải tạm nghỉ vài tháng”, tác giả của 300 bức tranh khắc đồng dát vàng kể lại.
Theo Điệp, chính thời gian mưu sinh làm các công việc như nhiếp ảnh, in ấn thiệp cưới, in lụa, bia đá… đã bổ trợ cho anh rất nhiều trong nghề khắc tranh đồng hiện nay. Thế nhưng anh cũng băn khoăn nên có một nhạc trưởng trong làng nghề mỹ nghệ.
“Chúng ta cần có một ban định hướng, 5 năm nữa sẽ như thế nào, tạo ra giá trị gì? Cần ứng dụng thêm một số công nghệ, nếu không sẽ lạc hậu. Chúng ta đừng cạnh tranh triệt tiêu nhau mà phải nghĩ đến sự cạnh tranh trong khu vực và các nước. Tôi đã mục sở thị ở Du Bai, Myanmar… họ làm điều này rất tốt”, anh bộc bạch.
Điệp cũng đang lên một kế hoạch với dự án cho thuê tranh, nhằm giúp mọi người giảm chi phí, tiện dụng trong thị hiếu thưởng ngoạn. “Ví dụ bây giờ nhà hàng hay khách sạn cứ treo một bức tranh, hay một bức tượng suốt mấy năm trời, dễ gây nhàm chán. Hoặc ngày nay liên tục có các lễ hội, sự kiện được tổ chức, các cơ quan, bộ ngành, tổ chức biết cách kết hợp, chia sẻ cho thuê sẽ giảm gánh nặng chi phí”, hoạ sĩ quê gốc Nam Định chia sẻ.