Trong giới mỹ thuật, họa sĩ – Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên được biết đến như một gương mặt tiêu biểu đại diện cho lớp họa sĩ thế hệ thứ hai chuyên vẽ tranh sơn mài truyền thống ở Việt Nam.
Tranh sơn mài của Đoàn Văn Nguyên vừa hiện thực vừa trữ tình, là cảm xúc trước cái đẹp, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Đó là cảnh trù phú của làng quê nông thôn vùng Trung du Bắc Bộ. Là cảnh dệt thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên. Rồi vẻ đẹp người thiếu nữ mới 16, 17 mùa trăng… Những mảng màu đỏ đen truyền thống được kết hợp khéo léo với sắc xanh, nâu vàng hiếm thấy. Các đường nét xuất hiện một cách tinh tế, nhưng cũng đầy chân thực như chính con người tác giả.
Những đóng góp của ông không chỉ được ghi nhận ở số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở thái độ, sự kiên trì, lòng say mê đối với dòng tranh truyền thống của dân tộc.
Cơ duyên đến với tranh sơn mài của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên sinh năm 1947, là con trai của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ. Sinh thời thi sĩ Đoàn Văn Cừ rất mê hội họa, thơ ông giàu tính họa:
“Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”…
Vì thế khi thấy cậu con trai mải mê những sắc màu, khuôn vẽ. Cố thi sĩ đã quyết định gửi con từ quê lên Hà Nội học. Năm đó, cậu bé Đoàn Văn Nguyên vừa tròn 14 tuổi.
Ở cái tuổi vô lo vô nghĩ; sau giờ học, thay vì cùng lũ bạn vui đùa; cậu bé Nguyên lại miệt mài bên thước sơn then, sơn cánh gián, vỏ trai… Với năng khiếu hội họa, cùng sự hướng dẫn của thầy cô, Nguyên tập vẽ những bức tranh đầu tiên trong đời như cảnh núi non, đồng quê. Tất cả sự nỗ lực của cậu bé ngày nào đã làm nên một họa sĩ Đoàn Văn Nguyên với nhiều thành công, ghi dấu ấn sâu sắc với thể loại này.
Theo thời gian, tình yêu của ông đối với tranh sơn mài ngày càng lớn. Dường như tất cả tình yêu ấy đều được ông gửi gắm hết vào trong tác phẩm, khi càng về sau khổ tranh càng lớn. Chỉ có tranh lớn, tranh hoành tráng mới thoả mãn được những xúc cảm cuồn cuộn trong ông.
Bức tranh “Những người thợ săn” tốn nhiều công sức nhất của tôi. Hơn 2 năm trời, tôi mới hoàn thiện được bức tranh dài 2,5 m, rộng 1,6m ấy…”, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên tự hào.
Người họa sĩ hết lòng với dòng tranh sơn mài truyền thống
Khác với nhiều loại hình mỹ thuật khác. Sơn mài dùng chất liệu Việt, cách làm Việt, biểu đạt rõ nhất tâm hồn Việt với chiều sâu thăm thẳm không chất liệu nào thể hiện được. Sơn mài quý ở chỗ vẽ nhiều lớp, khi mài hiện lên màu sắc ẩn hiện mới đẹp, riêng khâu ủ ẩm và mài nhẵn đã chiếm rất nhiều thời gian. Đặc biệt, để tạo những gam màu sáng cho tranh, họa sĩ phải vẽ bằng vàng, bằng bạc, các loại son… Điều đó khiến tranh sơn mài ngày càng ít lôi cuốn giới họa sĩ. Cũng dễ hiểu, giữa thời đại này, không ai có thể chạy theo một thứ đầu tư tốn kém nhiều như vậy.
Khi được hỏi lấy gì nuôi sơn mài, người họa sĩ già bật cười:
“ Tôi có lương hưu. Hết lương thì tôi bán số tranh lụa tôi có…”.
Rồi chẳng còn đủ tranh lụa để bán. Người họa sĩ ấy mày mò, nghiên cứu những màu sơn mới từ các nguyên liệu quen thuộc.
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên được những người trong giới nghệ thuật gọi là “họa sĩ tranh sơn mài đích thực”. Đích thực không chỉ thể hiện ở thành tích đạt được, mà còn ở thái độ lao động nghiêm túc, say mê đối với dòng tranh này. Người họa sĩ già ấy lặng thầm, tỷ mỉ làm vóc. Rồi kiên trì từng công đoạn mài nhẵn; khéo léo với mỗi đường vẽ, nước sơn… Dường như, bên trong con người họa sĩ Đoàn Văn Nguyên và trong tranh sơn mài đều thấm đượm cái hồn của dân tộc Việt, văn hóa Việt.
Một số sản phẩm Tranh đồng dát – mạ vàng tại Mạ Vàng Sao Mai